Cảm xúc trước Quốc kỳ

Lá cờ Tổ quốc đỏ thắm luôn là biểu tượng thiêng liêng, là màu của niềm tin và ý chí, của lòng yêu nước nồng nàn chảy trong huyết quản của mỗi người con Việt Nam. Mỗi khoảnh khắc quốc kỳ được kéo lên, dù ở bất cứ nơi đâu, ta luôn thấy trong lồng ngực mình một cảm xúc trào dâng đầy tự hào về quê hương, đất nước.

Lá cờ đỏ sao vàng là niềm tự hào kiêu hãnh trong tim

Anh hùng Phạm Tuân

Phạm Tuân lên đường nhập ngũ ngày 2/9/1965. Ông là một trong 12 phi công được chọn để đào tạo lái tiêm kích bay đêm, chuẩn bị cho việc bắn hạ máy bay B-52 trong Chiến dịch phòng không 12 ngày đêm năm 1972. Đêm 27/12 của 51 năm về trước, ông đã bắn rơi một máy bay B-52 của Mỹ, trở thành người đầu tiên bắn rơi “pháo đài bay” từ trên không. Với thành tích này, ông được phong danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam vào năm 1973. Khi đó, ông thuộc quân số của Đại đội 5, Trung đoàn 921, Sư đoàn 371. Năm 1980, ông là người Việt Nam và châu Á đầu tiên bay vào vũ trụ cùng nhà du hành vũ trụ Viktor Gorbatko trên tàu Soyuz  trong chương trình Interkosmos của Liên Xô. Ngay trong năm 1980, ông được trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động Việt Nam, kèm theo Huân chương Hồ Chí Minh. Và cùng năm đó, Phạm Tuân vinh dự là một trong những người nước ngoài đầu tiên được trao tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô, kèm theo Huân chương Lênin.

Anh Hùng Phạm Tuân-Phi công Việt Nam đầu tiên bay vào vũ trụ

“Đại diện cho người Việt Nam đầu tiên mang lá cờ của đất nước mình lên vũ trụ, tôi hết sức tự hào và vô cùng xúc động. Trong số những kỉ vật mà tôi mang theo khi ấy có ảnh Bác Hồ và lá cờ Tổ Quốc, những thứ mang tính lịch sử, biểu tượng và niềm tự hào của con người Việt Nam. Mang lá cờ vào vũ trụ với ý nghĩa khẳng định Việt Nam của chúng ta đã có mặt trong bản đồ vũ trụ thế giới. Một dân tộc vừa đánh xong giặc ngoại xâm giờ đã kết hợp cùng Liên Xô bay vào vũ trụ, điều đó thể hiện ý chí của chúng ta: không những xây dựng bảo vệ Tổ quốc mà còn có thể làm được những việc rất lớn nếu có sự hợp tác quốc tế. Tôi tự hứa trong lòng sẽ hoàn thành tốt những nhiệm vụ mà Tổ quốc đã giao phó. Khi tôi mang lá cờ Tổ quốc lên vũ trụ thì được 4 phi công giúp đem lá cờ của chúng ta chăng ra rồi cùng kí vào lá cờ đó. Hôm đó cũng là một buổi truyền hình trực tiếp từ vũ trụ truyền về trái đất. Giờ phút đặc biệt ấy, tôi vô cùng xúc động và tự hào – cả thế giới cùng thấy được hình ảnh lá cờ Việt Nam, hình ảnh Bác Hồ và sự hiện diện của người Việt Nam trong hành trình chinh phục không gian. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, lá cờ Tổ quốc cùng những kỉ vật cũng được tôi mang trở về trái đất an toàn”
Họa sĩ Thu Thủy- tác giả tác phẩm lá cờ tổ quốc bằng gốm lớn nhất Việt Nam

Năm 2014, họa sỹ Thu Thủy thực hiện bức tranh gốm Trường Sa đặt tại Trường Sa Lớn. Lá cờ Tổ quốc rộng 310m2 gắn gốm đỏ thắm giữa nền biển xanh, trời xanh nơi hải đảo – một tác phẩm nghệ thuật khẳng định chủ quyền biển đảo. Công trình được ghép từ 310.000 viên gốm mosaic nhỏ cỡ 3 x 3cm, nặng 3,5 tấn được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam trao bằng chứng nhận “Lá cờ Tổ quốc bằng gốm lớn nhất Việt Nam”.  Đây là thành quả không mệt mỏi trong bốn tháng ròng của cá nhân họa sĩ Nguyễn Thu Thủy, công dân ưu tú Thủ đô, tác giả Con đường gốm sứ ven sông Hồng cùng các cộng sự.

“Tôi vô cùng hạnh phúc và xúc động khi trực tiếp chỉ đạo thi công gắn gốm lá cờ Tổ quốc trên nóc tòa nhà hội trường đảo Trường Sa Lớn nặng 3,5 tấn có chiều dài  25m, chiều rộng 12,40m. Tôi đã bật khóc khi nhìn thấy toàn bộ lá cờ nổi bật trên đảo Trường Sa Lớn từ máy bay trực thăng, lá cờ nổi bật trên nền xanh của cây cối đảo Trường Sa Lớn. Hòn đảo hiện lên thật thiêng liêng mang hình trái tim và nổi bật là lá cờ đỏ thắm bằng chất liệu gốm sứ, một chất liệu có tính bền vững lâu đời của cha ông. Chắc chắn sẽ góp phần là một tiếng nói khẳng định chủ quyền thiêng liêng của đất nước thông qua ngôn ngữ nghệ thuật. Lá cờ có độ dốc 5 độ, tàu từ phía xa có thể nhìn thấy lá cờ. Và 310m2 bề mặt cờ còn có công năng thu nước mưa theo đường ống đưa xuống bể chứa nước ngọt bên dưới. Việc tích trữ nước ngọt trên đảo là rất quý giá.”

Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Quý Sơn
Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Quý Sơn

Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Quý Sơn, nghệ nhân Hà Nội năm 2013 – người cùng tham gia dự án công trình “Lá cờ Tổ quốc gắn gốm lớn nhất Việt Nam”

“Công trình lá cờ Tổ Quốc tại quần đảo Trường Sa khiến tôi không chỉ tự hào mà còn vô cùng xúc động, vinh dự. Lần đầu tiên, tôi được cùng tham gia thực hiện một dự án lớn tại một mảnh đất thiêng liêng như thế của Tổ quốc. Trong suốt quá trình sản xuất vật liệu, rồi hỗ trợ thi công, tôi thấy rằng, tác giả, các nhà thầu, đơn vị vận chuyển…. tất cả đều thực hiện vô cùng nhiệt huyết, bằng cả trái tim con người Việt Nam. Chính điều đó tạo nên giá trị của tác phẩm. Sau này, mỗi khi xem bản đồ điện tử, tôi lại thấy hình ảnh lá cờ Tổ quốc mình, đỏ thắm, hùng vĩ, như chính non sông mình, trường tồn. Tôi cảm thấy vô cùng tự hào và càng có động lực để nỗ lực hơn nữa trong công việc, trong sự nghiệp của mình. Tôi luôn tâm niệm rằng, tác phẩm này nếu thực hiện tốt thì không chỉ đời tôi, mà đời con cháu tôi, những thế hệ về sau sẽ đều thấy sự hiện diện thiêng liêng của quốc kỳ tại nơi biển đảo Tổ quốc.”

Xem thêm: Nhà ghép gốm mosaic – Công trình lớn nhất Việt Nam

Khoảnh khắc lá cờ đỏ sao vàng

Bác sĩ Nguyễn Hồng Đăng làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Sudan

Bác sĩ Nguyễn Hồng Đăng – người lên đường làm nhiệm vụ gìn giữ hoà bình tại Nam Sudan vừa trở về

Nguyễn Hồng Đăng, thiếu tá chuyên nghiệp, điều dưỡng viên khoa Nội Truyền nhiễm, Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 4. Anh đã có huy chương và giấy chứng nhận của Liên hợp quốc vì sự nghiệp gìn giữ hoà bình, chứng nhận giấy khen của Phái bộ tại Nam Sudan, giấy khen của Cục gìn giữ hoà bình Việt Nam.

Bác sĩ Nguyễn Hồng Đăng là một trong 63 chiến sĩ được cử tới Nam Sudan để làm nhiệm vụ gìn giữ hoà bình, vừa trở về nước vào ngày 11/7 vừa qua, cũng rất xúc động khi nhớ về khoảnh khắc lá cờ Tổ quốc xuất hiện trên đất nước bạn.

“Lễ thượng cờ của Việt Nam diễn ra tại nơi đóng quân của các nước làm nhiệm vụ ở Nam Sudan. Trong buổi lễ đó, sẽ có 1 người chủ trì, hô và chào cờ. Cũng sẽ có người kéo cờ lên để làm lễ thượng cờ cho Bệnh viện dã chiến khi làm nhiệm vụ tại 1 nước mới. Điều đó thể hiện sự long trọng, trang nghiêm với sự có mặt của Việt Nam cũng như thể hiện tinh thần quốc tế trên Thủ đô Juba của Nam Sudan. Khi tôi đi bất kì đâu, tôi đều mang lá cờ Tổ quốc bên mình để quảng bá con người, hình ảnh Việt Nam. Ngắm nhìn lá quốc kỳ được treo lên tại đơn vị đóng quân thì cá nhân tôi cũng như 62 đồng chí đi cùng đều cảm thấy rất tự hào và hãnh diện khi mình được đại diện cho Việt Nam đi làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình. Khi chúng tôi đi làm nhiệm vụ, tiếp xúc với người dân ở đó, mặc áo cờ đỏ sao vàng và quần rằn ri của Việt Nam thì người dân nhìn thấy quốc kỳ của mình, họ rất quý mến vì họ biết đến những danh nhân kiệt xuất như Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Mình đến đâu họ cũng bắt tay chụp ảnh và hô vang “Việt Nam” – những điều đó làm cho tôi cảm thấy rất ấn tượng và vô cùng tự hào.”

Các chiến sĩ trong lễ thượng cờ tại Sudan
Các chiến sĩ trong lễ thượng cờ tại Sudan

Vận động viên nhảy xa Bùi Thị Thu Thảo

Vận động viên nhảy xa Bùi Thị Thu Thảo từng đạt huy chương vàng tại Giải vô địch điền kinh Châu Á 2017 và Đại hội Thể thao châu Á 2, huy chương bạc tại Đại hội Thể thao châu Á 2014. Cô cũng là vận động viên đầu tiên trong lịch sử của điền kinh Việt Nam từng giành Huy chương vàng ASIAD 2018.

“Mỗi lần ra đấu trường Quốc tế thi đấu thì đội cũng sẽ mang lá cờ Tổ quốc Việt Nam đi. Riêng cá nhân tôi, tôi thường mang theo để hi vọng tinh thần dân tộc sẽ tiếp sức và mang may mắn đến với mình. Khi quốc kỳ Việt Nam được tung bay trên đấu trường quốc tế, tôi đều cảm thấy rưng rưng, hạnh phúc và tự hào. Tập luyện rất vất vả nhưng mọi người luôn cố gắng, động viên để làm sao đạt thành tích tốt và ai cũng mong có được tấm huy chương vàng để quốc ca Việt Nam được cất lên, quốc kỳ Việt Nam được kéo lên và mọi người có mặt tại đấu trường quốc tế sẽ trang nghiêm cùng với các vận động viên Việt Nam làm lễ chào cờ. Và từ đó, bạn bè năm châu được biết đến Việt Nam mình nhiều hơn.”

Niềm tự hào dân tộc

Cầu thủ Nguyễn Duy Mạnh – người cắm lá cờ Tổ quốc trong trận chung kết  U23 ở Thường Châu, Trung Quốc

Cầu thủ Nguyễn Duy Mạnh được biết đến là người đã ghi bàn thắng đầu tiên cho đội tuyển U23 Việt Nam tại giải vô địch bóng đá U23 châu Á 2016.

Hình ảnh Duy Mạnh cắm lá cờ Tổ quốc và cúi đầu chào lá cờ đỏ sao vàng tại sân bóng Thường Châu, Trung Quốc cách đây 5 năm sau trận chung kết giải U23 châu Á năm 2018 vẫn luôn khiến nhiều người hâm mộ xúc động mỗi khi nhớ lại.

Cầu thủ Đỗ Duy Mạnh cúi đầu chào lá cờ Tổ Quốc tại Thường Châu
Cầu thủ Đỗ Duy Mạnh cúi đầu chào lá cờ Tổ Quốc tại Thường Châu

“ Toàn đội đã thi đấu hết mình vì màu cờ sắc áo trong suốt 90 phút thi đấu và hiệp phụ thứ nhất. Nhưng cuối cùng đội bạn đã ghi bàn ở những phút cuối cùng của hiệp phụ thứ hai. Những giọt nước mắt đã rơi xuống vì tiếc nuối không thể đáp ứng được lòng mong mỏi của người hâm mộ nước nhà. Tôi đi cuối cùng trong đoàn cầu thủ và ban huấn luyện lúc đó rời sân, lúc đó tôi cũng đã khóc. Khi đi qua một đống tuyết lớn tựa như ngọn núi, tôi chợt có suy nghĩ mình sẽ cắm lá cờ lên đó. Tôi vẫn nhớ như in cảm giác lúc ấy rất là xúc động. Lá quốc kỳ được cắm lên, tôi lùi xuống cúi đầu chào khán giả và cờ đỏ sao vàng, như một lời tri ân Tổ quốc, tri ân tình cảm của người hâm mộ Việt Nam. Và đó là một kỷ niệm không thể nào quên đối với tôi”

Vận động viên thể dục dụng cụ Phạm Phước Hưng

Vận động viên thể dục dụng cụ Phạm Phước Hưng sinh ngày 16 tháng 6 năm 1988. Tính đến thời điểm năm 2018, anh đã có hơn 60 huy chương vàng môn thể dục dụng cụ trong và ngoài nước, trong đó có 2 huy chương vàng Cúp thể dục thế giới vào năm 2012, 2013 và 7 huy chương vàng ở đấu trường SEA Games.

 “Khi nhìn thấy lá cờ Việt Nam được kéo lên ở đấu trường quốc tế, tôi thấy rất xúc động và tự hào. Dù điều kiện tập luyện cùng sức khỏe của tôi không thể bằng nước bạn, song lá cờ Tổ quốc khiến tôi có thêm niềm tin vào chính mình, chứng minh được người Việt mình mạnh mẽ và có thể vượt qua được nhiều khó khăn. Qua đó tôi cũng giành được những thành tích ngang hàng với các bạn quốc tế. Lá cờ Việt Nam còn tiếp thêm động lực cho tôi rất nhiều, giúp tôi có thêm tự tin để hướng tới những cuộc thi tiếp theo”

Trước quốc kỳ kiêu hãnh tung bay, mỗi trái tim Việt Nam luôn hòa vào nhịp đập của hào khí Đông A, của khí phách Việt Nam bốn ngàn năm lịch sử không lùi bước trước gian lao, trước bạo tàn để bảo vệ từng tấc đất, vùng biển và vùng trời của Tổ quốc; không lùi bước trước thách thức và khó khăn để dựng xây, vun đắp những giá trị của hòa bình, của tự do. Hà Nội sớm nay bình yên trong Tết Độc lập, giữa những đường phố rực cờ đỏ tung bay…

Nguồn: Đài phát thanh và truyền hình Hà Nội

0/5 (0 Reviews)